Những tưởng đi du học là sẽ học được những học vấn cao sang nhưng đi rồi mới biết, “tôi nghĩ cái đáng giá nhất tôi có, là tôi học được cách người ta làm giáo dục”.
Trước khi qua đây, tôi mặc nhiên nghĩ học xong tôi sẽ có một bụng kiến thức đem về, uyên thâm, cao siêu lắm, thạc sỹ mà, lại còn học hai chuyên ngành nữa chứ. Giờ học gần xong, vỡ mộng, cái môn đang học có khi còn chẳng nhớ là nó có cái gì. Nhưng tôi nghĩ cái đáng giá nhất tôi có, là tôi học được cách người ta làm giáo dục.
- Những con mọt sách kì lạ
Ở đây, thi thoảng lên các phương tiện đi lại công cộng, là thấy số lượng tây cầm sách đọc nhiều hơn hẳn lượng dân châu Á đang nhìn chăm chú vào điện thoại. Nhìn ngầu phết, cái vẻ bất cần biết thế gian này là chi ngoài cuốn sách đang đọc. Tôi nghĩ quái, bọn này chăm thế.
Hơn một năm sống, thắc mắc của tôi mới được giải thích khi xuống Melbourne thăm thầy dạy đại học đang định cư ở đây. Thầy có hai đứa con gái đang học tiểu học. Tôi tiện miệng hỏi xem mấy em học có nặng không.
Thầy bảo nhẹ lắm, cứ mỗi tuần hai đứa cùng mấy đứa bạn trong lớp được giao cho một cuốn sách để đọc. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm ký xác nhận xem bọn trẻ đọc hết chưa. Rồi khi lên trường bọn chúng sẽ kể về những gì đã đọc trong cuốn sách đó, trao đổi và tranh luận với bạn bè.
Đó là bài tập về nhà, không phải những bài tập làm văn mà phải đọc sách giải hay văn mẫu để biết được con gà thế nào, con trâu ra sao, hay cô giáo là phải có mặt trái xoan, mũi dọc dừa, không phải tự nhiên xã hội hay lịch sử mà phải chọn bên nào tốt, bên nào ác theo những ý kiến rất chủ quan như ngày xưa tôi đã từng học. Dần dần, đọc sách thành thói quen theo đến lớn.
Tôi bắt chước sắp nhỏ, mua cuốn sách, ngồi xe rảnh rỗi lôi ra đọc. Thấy khôn ra nhiều lắm.
- “Có chuyện gì xảy ra, anh phải tự đối phó được chứ”
Tôi bị đau lưng, chấn thương dây thần kinh cột sống. Một tuần hai lần phải đi vật lý trị liệu. Bạn bác sĩ trị liệu cho tôi, 23 tuổi, người Úc gốc Việt, nói được tiếng Việt lơ lớ, chúng tôi hay dùng tiếng VIệt để trao đổi, khó quá thì chuyển sang tiếng Anh.
Một hôm, bạn đó đang nắn đốt xương L4 cho tôi, thấy tôi căng thẳng, mới hỏi thăm bằng một giọng như không có dấu: “Mấy ngày qua anh làm gì?”
“Anh học bài, đi làm, đi bơi nữa.”
“Anh chưa khỏi mà sao đi bơi?”, bạn nói bằng giọng hơi trách, “lỡ đang bơi bị đau thì chìm sao.”
Tôi mắc cười với cách diễn đạt chuột rút của bạn, mới trả lời bâng quơ rồi đánh trống lảng:
“Em biết bơi không?”
“Em biết, ai cũng biết mà.”
Tôi ngạc nhiên hỏi sao ai cũng biết, thế học từ khi nào?
“Từ tiểu học đó, bọn em được học từ nhỏ.”
“Bắt buộc à?”
“Đúng rồi”, bạn đáp “Bắt buộc, tụi em được nhiều thứ lắm, để bảo vệ mình. Có chuyện gì xảy ra, anh phải tự đối phó được chứ.”
Tự nhiên tôi nhớ, đến năm lớp 7 tôi mới được học bơi. Lý do là mẹ tôi quá hoảng hốt khi năm ấy có một vụ chìm thuyền du lịch xảy ra, khiến quá nhiều người mất mạng vì không biết bơi. Rồi những năm sau đó, còn biết bao nhiêu vụ ở Việt Nam nữa, nhưng chẳng ai khuyến khích học bơi. Giáo dục thể chất vẫn là nhảy dây, ném banh…
Tôi nghĩ bâng quơ, lỡ té xuống nước, chắc nhảy dây giúp mình nổi lên được.
- “Đứa nào cũng thế mà”, “Các cậu làm gì cho họ tin?”
Tôi đi làm, nhiều lúc vỡ lẽ ra đồng nghiệp của mình có khi mới 14, 15 tuổi thì ngạc nhiên lắm. Tôi đứng bếp, thấy mấy em người Úc đứng thu ngân, làm đồ ăn, tôi vẫn đinh ninh là 20. Đến khi biết được chúng kém mình cả 10 tuổi, còn đang học cấp 3 thì mới ngớ người ra.
Nhưng chúng không thiếu tiền để phải đi làm như tôi, một đứa còn khoe năm sau đủ tuổi thì bố sẽ tặng cho chiếc ô tô xịn. Sau này nói chuyện với một em 18 tuổi, Úc gốc Việt, đi làm một lúc 3 nơi từ năm 16.
Tôi hỏi có cần thiết phải làm thế không, thế bố mẹ không cho tiền à? Em bảo ở đây vào cấp 3 rồi cũng ít đứa muốn xin tiền bố mẹ lắm, đứa nào cũng thế mà, tự đi làm có tiền tiêu vặt. Chúng tôi ngồi cùng một chuyến tàu về, em kể sự khác nhau khi làm bán hàng và làm bếp và “đứng xếp quần áo trong cửa hàng tưởng dễ mà không dễ đâu á.”
Những trải nghiệm mà một thằng như tôi khi hơn 20 tuổi vẫn chưa biết tí ti gì.
Tôi không nhớ hết kiến thức, nhưng tôi học được cách tư duy để làm nhiều thứ ra lẽ. Hồi học về Chiến lược Marketing, thầy tôi bắt trả lời câu hỏi phải đưa ra được 3 ví dụ thực tế, dùng thuyết nào thì phải ghi tên tác giả ra. Cả lớp tôi kêu trời.
Thầy hỏi lại, “Thế sau này khi muốn đề xuất gì cho sếp, các cậu làm gì cho họ tin? Các cậu bảo làm ABC hay XYZ sẽ thành công, họ tin hả? Hay là các cậu phải dẫn vài trường hợp đã xảy ra, hay thuyết này đã được kiểm chứng? Đừng lười biếng nữa.”
Từ đó tôi làm gì cũng hỏi lấy gì để người ta tin.
Tôi học được cách người ta làm giáo dục, từ đó muốn con mình sau này cũng được hưởng nền giáo dục như vậy.
Để tôi có thể đọc sách và tranh luận cùng nó, để nó biết tự đối phó với những kỹ năng cần thiết nếu có chuyện gì xảy ra, để nó tự lập và trải nghiệm cuộc sống của riêng nó khi còn trẻ, để nó tự biết mình cần gì thích gì, thứ mà ba nó đến tận 25 tuổi đôi lúc vẫn hoang mang, và quan trọng hơn, để nó có chính kiến của mình, biết đâu là phải trái chứ không phải tiếp nhận những luồng thông tin áp đặt từ nơi thầy cô giáo bị coi là “tội đồ” khi kiếm sống thêm bằng cái nghề của họ.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Trần Hoàng Trí, hiện là du học sinh đại học Flinders, Australia. Bài viết được chia sẻ trên Fanpage “Người trẻ xa nhà”, kể về những trải nghiệm giáo dục của anh tại nơi đây.
Pingback: Bức thư nổi tiếng của Tổng thống Abraham Lincoln gửi thầy giáo: 'Xin thầy hãy dạy con tôi' - Footstep Education Australia
Pingback: Bố mẹ không giàu có cách nào cho con đi du học? - Footstep Education Australia