Bố mẹ không giàu có cách nào cho con đi du học?

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho con đi du học? Nếu bố mẹ nghĩ chỉ lo duy nhất vấn đề tiền bạc không thôi là chưa đủ. Vì thực tế những em có bố mẹ giàu có rủng rỉnh tiền dư sức đưa con mình đi học rất dễ dàng, mấu chốt ở chỗ các con hầu như không có động cơ phấn đấu. Những đứa trẻ phát triển tốt nhất là những đứa trẻ xuất thân từ gia đình bình thường hoặc khó khăn hơn nhưng rất hiểu chuyện.

Theo kinh nghiệm của chị Lê Thị Minh Hồng (một bà mẹ đang sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức) “đi du học là một việc lớn, nếu chờ đến lúc 17, 18 tuổi mới cho con “ra ràng” thì hơi muộn. Vậy tại sao phụ huynh không tập cho mình và cho con luôn từ khi con còn nhỏ. Ví dụ cụ thể là từ bây giờ mỗi mùa hè cho con đi xa một nơi, mỗi nơi tầm 2 tuần, để con tự trải nghiệm, tự nhìn ngó, tự quyết định sau này con sẽ du học ở đâu.”

Nên đọc: Trại hè hướng nghiệp tại Úc, hứa hẹn một tương lai tươi sáng

Có lẽ khi mới nghe qua nhiều phụ huynh sẽ hỏi ngay “tiền đâu mà đi”, nhưng tính kỹ mỗi chuyến đi như vậy rẻ hơn rất nhiều, lại mang nhiều lợi ích cũng như tác động và thúc đẩy sự phát triển của các con rất nhiều. Trên thực tế có nhiều bạn trẻ 18 – 20 tuổi lần đầu đi học xa nhà vẫn còn ấm ớ, không được chuẩn bị kỹ, qua bên đó mất luôn 1-2 năm như chơi, mà mất thời gian là mất tiền, mất luôn tầm 100-300 triệu.

Vậy số tiền này chẳng phải đi công cốc không? Thay vào đó đầu tư sớm vào con, cho con đi tham gia các trại hè quốc tế độ 3 lần, mỗi lần hết tầm 50 triệu. Sau này con đi du học thì bố mẹ sẽ tốn ít đi, vì con đã quen và đã có kinh nghiệm thực tế thì con có thể tìm hơn 1000 con đường để có thể tiết kiệm tiền và tiết kiệm thời gian.

Vậy, bố mẹ cần chuẩn bị gì và chuẩn bị như thế nào trước khi con đi du học?

1. Cố gắng tạo sự liên kết giữa bố mẹ và con mình. Bố mẹ tin tưởng con, con tin tưởng bố mẹ, bố mẹ sẽ nơi để con giãi bày tâm tư nguyện vọng, suy nghĩ và ước của con.

2. Thường xuyên trò chuyện. khích lệ và định hướng mục tiêu cho con, sau đó chuẩn bị tâm lý đi du học xa nhà nên cần tập tính tự lập từ sớm, tốt nhất là từ cấp hai.

3. Rèn luyện sức khỏe: Ở Việt Nam các mẹ quá lo con ăn món gì uống sữa gì, nhiều em bị béo phì, ì trệ. Bố mẹ cần phải thay đổi ngay thực đơn ăn uống tốt cho sức khỏe. Thường xuyên luyện tập một hay nhiều môn thể thao nào đó. Từ bóng bàn đến đá cầu, cầu lông, trượt pa-tin, bơi, nhảy hip hop… Cũng nên tập yêu thích một môn nhạc cụ nào đó. Từ thổi sáo kèn, đến gõ xoong nồi, đánh trống, ghita, violon, hay piano…

Bà Anna Sophie Mutter hiện là người chơi Violon số 1 của thế giới, là nhà tư vấn văn hóa của Thủ tướng Merkel, là đại diện Unicef về văn hóa đã tuyên bố rằng: “Thể thao và Âm nhạc là cách giúp con người ta định hình phát triển tính cách một cách tốt nhất, càng sớm càng tốt, tốt nhất là cho trẻ bắt đầu luyện tập từ 4 tuổi.”

4. Hình thành thói quen ăn và ngủ nghỉ tốt của con từ bé: Ăn uống phải có giờ giấc. Sáng dậy ăn sáng rồi mới đi học. Không được đi ngủ quá 23h đêm. Có rất nhiều mẹ mỗi sáng lại tất tả chở con đến trường, con ngồi đằng sau vừa ngáp vừa uống sữa, ăn xôi.

Buổi tối 23h trẻ em vẫn nô đùa chạy loạn ngoài đường. Trẻ em có tâm sinh lý khác người lớn. Não và cơ thể chưa phát triển hết. Vì hoạt động cả ngày nên các em cần thời gian ngủ đủ dài để não phát triển và nạp năng lượng cho ngày hôm sau. Ngoài ra việc ăn uống là một văn hóa, là một việc rất riêng tư, không nên để cả bàn dân thiên hạ nhìn vào mồm mình. Ở Úc 20h30 – 21h là lúc các em lên giường đi ngủ. Cả xã hội tuyệt đối tôn trọng tuân thủ việc này.

5. Bố mẹ không nên quá quan trọng về điểm số. Lúc còn nhỏ, cho đến hết lớp 9, việc thi cử điểm cao hay thấp hầu như không có gì quan trọng hết. Cũng đừng bao giờ so sánh con mình với con nhà người ta. Con thiên hạ có tài có giỏi nó cũng chẳng thèm làm con mình. Vì thế con mình luôn luôn và mãi mãi là Nhất.

“Sau đợt World Cup bóng đá Đức lên ngôi vô địch thì phụ huynh ở nhà có thể hình dung triết lý giáo dục của người Đức. Họ không chú trọng nuôi gà nòi. Họ không cần một ngôi sao mà họ cần cả một bầu trời đầy sao. Theo phương châm “khá đều còn hơi tốt lỏi”. Một quốc gia chỉ có thể giữ vững vị trí top 5, đầu tàu Châu Âu, có số tỷ phú đứng thứ 4, và số lượng phát minh thứ 3 thế giới nếu như mỗi người trong số 85 triệu dân vận hành nhịp nhàng, đúng vị trí, như những người lính cần mẫn trong tổ kiến, đàn ong. Mỗi đứa trẻ có mặt mạnh mặt yếu riêng. Con bạn giỏi toán thì con tôi giỏi nấu ăn. Chưa chắc đã biết ai hơn ai.”

6. Không nên nghi ngờ con trẻ, cũng đừng để các con biết mình không tin tưởng con. Trẻ con không bao giờ thích trả lời trực tiếp. Chỉ có thể rủ rỉ tâm sự mới có thể đoán ra con đang nghĩ gì, đang ghét cô nào, gặp khó khăn ức chế ở đâu. Rất nhiều trẻ em có ý nghĩ tự tử mà bố mẹ không biết. Bất kể con có kể gì hay nói gì cũng phải bình tĩnh, đừng bao giờ mắng phủ đầu hay la xối xả vào mặt con.

“Nếu con có phàn nàn cô “gập 4 thước kẻ vào đánh các bạn” hoặc “con không đi học thêm nhà cô thì con bị điểm kém” hoặc “khi cả lớp nhận đề bài thi không trúng bài học tủ cô C coi thi bảo cả lớp chờ cô đi hỏi, một lúc sau quay về cô bảo cứ làm như mọi khi, tức là như đã học tủ không tả mèo mà tả chó” hoặc “khi mẹ đưa con đến cô tươi cười, mẹ quay đi là cô dúi bọn con vào tường” thì hãy bình tĩnh và sáng suốt lắng nghe con. Trẻ em không nói dối. Mình chả thay đổi được gì nhưng cần cảm thông thấu hiểu cho con, mình luôn luôn phải đứng về phía con, vào phe của con.”

7. Đừng bao giờ nói các con bây giờ sướng hơn bố mẹ ngày xưa, các con chẳng phải làm gì ngoài Ăn và Học. Điều này hoàn toàn sai. Bởi vì chỉ Ăn và Học nên con mình mới “kém”. Khoa học đã chứng minh để làm việc hiệu quả con người ta phải làm việc nhịp nhàng, phải có đủ thời gian để não và cơ thể thư giãn, phải làm nhiều việc khác nhau. Một thí nghiệm đã chỉ ra rằng nếu 1 người xách nước liên tục từ sáng đến tối sẽ không xách được nhiều bằng vừa xách vừa nghỉ. Cũng có thể vì thế các em thủ khoa đều là các em “nhà quê”, bởi sau giờ học các em phải về “hái rau, chăn trâu, đan nón”.

8. Bố mẹ đừng bao giờ khoe con mình giỏi cái này, hay chê con kém cái kia với người ngoài hoặc chê bai bạn bè của con. Điều này là tối kỵ. Con giỏi thì động viên, còn có đầy người giỏi hơn thế. Con “dốt” thì trước hết phải nhận vì mẹ dốt thì mới đẻ ra con “dốt” vì vậy mẹ con ta cùng phải tiếp tục phấn đấu.

9. Cũng đừng bao giờ kêu khổ kể công với con làm gì, “chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo phần con”. Khắp thế giới mẹ nào yêu thương con cũng đều làm vậy. Mình nghèo không lo đủ cho con thì trước hết tại mình kém, đẻ con ra làm gì để rồi suốt ngày kêu than.

Các mẹ Tây hay nói “tôi hạnh phúc, tôi biết ơn vì có con”. Mẹ Thủ tướng Đức Schroeder, trước thời bà Merkel, chỉ là một lao công nhưng ông không khinh mẹ. Ông bảo mẹ tôi là một phụ nữ tuyệt vời, vì cả đời bà đã cố hết sức để làm điều tốt nhất cho tôi trong khả năng, nếu tôi vào vị trí đó tôi cũng không làm được như thế, tôi chưa bao giờ được đi giày đẹp giống bạn bè nhưng vì thế tôi càng muốn nỗ lực để cho con tôi có một tương lai tốt hơn.

10. Đừng áp lực con bằng những mong mỏi của mình “phải trở thành ông này bà kia để mở mày mở mặt với thiên hạ”. Không phải ai đi du học cũng sẽ thành Ngô Bảo Châu, Lê Bá Khánh Trình, bác Alan Phan… điều đấy là rất rất khó.

Đừng đòi hỏi con mình ngay lập tức phải thành Công thành Phượng trong khi bản thân cha mẹ chúng thực tế cũng “chưa là gì cả”. Như thế là không công bằng. Là vô hình tạo áp lực không cần thiết cho con.

11. Có nhiều bố mẹ nóng tính hay cáu giận quát tháo, tát đánh con. Điều này tuyệt đối không nên làm vì khi mình cáu giận là mình đã thua. Bản thân mình đã không có khả năng điều chỉnh cảm xúc. Điều đó là vô cùng kém cỏi. Cả ngày mình đi làm, trên đe dưới búa, đã mệt rồi nên mình sẽ không bao giờ có đủ năng lượng để đối đầu với con. Một khi 2 mẹ con ở hai đầu chiến tuyến thì người thua là mình, người chịu tổn thương nhiều nhất là mình. Chẳng có bất cứ chuyện gì, kể cả chuyện động trời ví dụ như con 13 tuổi đã có bầu, hay con thi chuyển cấp đáng lẽ phải đỗ Giảng Võ thì đỗ có mỗi Ngô Sỹ Liên mà lại làm trời sụp cả. Mình không bình tĩnh giúp con gỡ rối tìm lối thoát thì ai! Chuyện đã xảy ra rồi thì đừng cằn nhằn hỏi tại sao mà hãy cùng con tìm cách giải quyết vấn đề.

12. Tóm lại có rất nhiều thứ phụ huynh có thể làm được mà không tốn đồng nào. Tuy nhiên đòi hỏi chính phụ huynh đầu tiên phải thay đổi tư duy, thứ 2 là phải thay đổi nếp sinh hoạt, cuối cùng là phải hy sinh. Kể cả ở Tây hay Ta, Âu hay Mỹ thì đều thế cả, gia đình bố mẹ là nơi giáo dục ảnh hưởng con tốt nhất, nhiều nhất. Thầy cô và nhà trường chỉ chiếm 30%. Mẹ Tây cũng cực kỳ chịu khó, cực kỳ thương con. Tối hôm qua 20h khi các con chuẩn bị lên giường đi ngủ thì mình và các mẹ ở khu phố bị lùa đi nghe hội thảo “Làm thế nào để cùng con cân bằng cuộc sống trong thế giới ảo”, 22h kết thúc mẹ nào cũng ngáp cuống lên về để hôm nay 5h45 lại dậy…

Nếu trong nhà bố mẹ không bao giờ sờ đến sách thì đừng bảo con đọc sách. Nếu bố mẹ 23h còn lướt facebook, còn vô tuyến, còn buôn dưa lê thì đừng bảo con đi ngủ đúng giờ. Nếu bố mẹ nói dối thì đừng bảo con phải thật thà trung thực. Nếu bố mẹ thản nhiên vứt rác, chửi bậy thì đừng bảo con phải ngoan ngoãn, hiếu thảo.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, hiện đang sống ở thành phố Berlin, Đức.

Tìm hiểu thêm lý do tại sao lũ trẻ ở Úc 14 tuổi đã đi làm mặc dù nhà rất giàu

Theo Lê Thị Minh Hồng (Berlin, Đức) / MASK Online